Wednesday, June 29, 2016

CỔNG THIÊN ÐƯỜNG

                                  CỔNG THIÊN ÐƯỜNG
                                        Ngô Trúc Khánh
Kính dâng hương hồn ông bà Ngoại, Ba Mẹ, các Cậu Dì.. kính tặng cậu mợ Trương Trọng Anh, Trương Trọng Khoa. gỡi về hiền thê Nguyễn Bạch Mai cùng các con yêu quý

             Thành phố Ban Mê Thuột thất thủ ngày 10 tháng 3 năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của Quân Ðoàn II sau đó, qua cuộc di tản chiến thuật từ Pleiku về Tuy Hoà trên liên tỉnh lộ 7B. Lúc đó tôi là một Trung Uý/QLVNCH, biệt phái sang CSQG phục vụ tại Phú Bổn. Ngày 17/3 quân cán chính của tỉnh này cũng tan rã và hầu hết chạy theo đoàn quân. Trong số này có vợ chồng tôi và 3 đứa con nhỏ.

            Mười ba ngày lội trong sông máu, núi xương của hàng trăm ngàn quân dân các tỉnh cao nguyên từ Cheo Reo, Phú Túc, Sông Ba, Hiếu Xương về Tuy Hòa. Thật là lạ lùng, chiếc xe Honda Dame chạy trên 300 km đường rừng núi, đầy đá lởm chởm và gai gốc, mà không hề lủng bánh hay chết máy. Nó đã cứu cả gia đình chúng tôi 5 mạng người, bình yên về tới Chợ Lầu quê tôi vào cuối tháng 3-1975. Từ đó đến 19/4/1975 Phan Thiết mất, sau đó cả miền Nam bị cộng sản quốc tế nhuộm đỏ vào trưa 30/4/1975 theo lệnh đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh, tôi vẫn ở Bình Thuận đón chờ cuộc phong trần, dành cho người lính trận ngã ngựa.

            Tôi biết những điều kể ra đây cũng chỉ là câu chuyện cũ rích, đã được nhiều anh em bạn tù viết đi viết lại nhiều lần trên sách báo, diễn đàn.., sau khi đã hiên ngang bước ra khỏi cổng thiên đường đỏ từ Nam ra tới Bắc. Ngày 5/5/1975 cộng sản ra lệnh tập trung tất cả quân cán chính bốn quận Bắc Bình Thuận về nhốt tại lao xá Phan Thiết.

            Ngày 19/6/1975 tất cả sĩ quan trong tỉnh bị áp giải lên trại tù Kà Tót. Tôi là một trung uý biệt phái cảnh sát nên cũng cùng chung số phận với mọi người. Sau đó lại chuyển trại tới tổng trại tù Sông Mao, Lương Sơn, Giếng Triềng, Xóm Mía trong tỉnh Bình Thuận, ra tới trại tù khét tiếng A.30 Phú Yên, tổng cộng hơn 5 năm tù với không biết bao nhiêu niềm đau nổi nhục, từ thể xác tới tinh thần.

            Ngày mãn tù về quê cũ cũng đâu có được yên thân với bản án năm năm quản chế tại xã Hồng Thái huyện Bắc Bình. Viết làm sao cho hết sự hành hạ trả thù của bọn cán bộ điạ phương, nhắm vào gia đình chúng tôi : một sĩ quan đại đội phó Ðại đội 238 ÐP thuộc Tiêu khu Bình Thuận, khét tiếng qua trận địa mìn claymore ỳ. Ngoài ra tôi còn là một trung uý CSQG, nên bao nhiêu thù hận chúng đều nhắm vào gia đình tôi, không bỏ sót một công tác nào, từ vét mương, làm thủy lợi, hốt cốt VC, quét rác.... Con cái không được thi vào đại học, vợ tôi chỉ cho làm ruộng rãy mà thôi.

            Ngày 30 tháng 7 năm 1989, chính phủ Mỹ đã chấp thuận nhận các cựu tù nhân chính trị cộng sản từ ba năm tù trở lên, được đinh cư tại Hoa Kỳ qua chương trình gọi là H.O lịch sử. Nhờ bạn bè thông báo nên tôi cũng lo liệu giấy tờ theo thông báo ấn định, mang vào nộp tại Phan Thiết lúc đó là tỉnh lỵ của tỉnh Thuận Hải gồm ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy cũ nhập chung. Nhưng hồ sơ của tôi đã bị chúng dìm không gửi đi, nên cuối cùng không được ai cứu xét.

            Nhìn cảnh bạn bè lần lượt được gọi phỏng vấn rồi ra đi, nên tôi vào Phan Thiết hỏi thì được trả lời là tỉnh nay không có trách nhiệm giải quyết vấn đề này, mà phải ra Ðà Nẳng nộp đơn. Thế là tôi lại phải chạy chọt vay mượn của bà con để làm lại hồ sơ và lộ phí. HO là hai chữ viết tắt của Humanitarian Operation, có nghĩa là “ chiến dịch nhân đạo “ .Nhưng mọi sự hình như có bàn tay của quới nhân phù hộ, nên cuối cùng gia đình tôi cũng nhận được giấy xuất cảnh đi Mỹ, theo danh sách HO 11, trừ đứa con trai lớn có gia đình phải ở lại.

          Ngày 26 tháng 4 năm 1992, gia đình tôi đáp chuyến bay tù Sài Gòn đi Bangkok bằng chiếc phản lực do Nga chế của hảng Air VN. Máy bay đã rời phi trường Tân Sơn Nhất gần một tiếng đồng hồ va có lẽợ đang bay trên không phận Thái Lan, chừng đó tôi mới hết sự hồi hợp âu lo về nổi bị công an bắt lại vào giò chót.

            Rồi máy bay cũng tới phi trường Bangkok, mọi người chưa kịp thưởng thức cái đẹp nơi xứ người, thì một chiếc xe buýt tới xúc tất cả hành khách trên chuyến bay chở tới một khu nhà tole để làm thêm một vài thủ tục, trong đó có phần ký giấy nợ vé máy bay. Sau cùng mọi người lại lên xe buýt chuyển tới trại tạm trú Suan Phlu thuộc bộ nội vụ Thái, được xây dựng trong phạm vi thủ đô, nằm giữa những tòa cao ốc. Chúng tôi may mắn nên chỉ ngủ tại đây một đêm, trên nền nhà xi măng lót đá hoa giả, không có mùng chiếu nhưng đèn điện và quạt máy trong phòng được mở 24/24. Không ai được phép ra khỏi khu cấm này dù mọi người chỉ quá cảnh . Suốt đêm không làm sao ngủ được vì tiếng xe buýt gần như liên tục chở người tới, rước người đi, khiên cho mình cũng thật nôn nao mong trời mau sáng để rời chốn buồn tẻ này.

            Rồi cũng phải tới lúc lên đường, để bắt đầu một cuộc đời mới cam go không biết trước. Cùng đi với vợ chồng tôi còn có hai con nhỏ, một trai một gái. Riêng đứa con trai lớn vì đã có gia đình nên kẹt lại. Tài sản mang theo lúc đó ngoài quần áo cá nhân, còn có hai trăm đồng tiền Mỹ (USD) dành cho nhân số 4 người trong gia đình.

            Cảm giác đầu tiên khi tới phi trường Los Angeles lâng lâng, buồn vui lẫn lộn. Vui bởi lần đầu tiên trong đời được tận mắt nhìn thấy sự vĩ đại và văn minh của một quốc gia hàng đầu thế giới. Vui vì từ đây đã thật sự đuợc hít thở bầu không khí của tự do, sẽ không còn chịu cái cảnh sợ sệt, bị hù dọa, chụp mũ.. Ðêm đêm được ngủ yên giấc, không còn phải hồi hộp lo âu mỗi lần nghe tiếng chân người hay xe cộ ngang qua trước nhà.

            Còn nổi buồn lo là không biết rồi đây mình và gia đình sẽ sống ra sao nơi xứ lạ quê người ? khi nhìn thấy người da đen bản xứ đang sống vất vưỡng khắp nơi, trên hè phố, dưới gầm cầu. Trong lúc đó tôi chỉ là một người VN bình thường, trước năm 1975 dành hơn một phần đời làm lính, rồi chiu cảnh tù tội khi VC cưởng chiếm được miền Nam..

            Nhưng trời sinh voi sinh cỏ, tôi tự mình an ủi mình là thế nào cũng sẽ kiếm được một công việc bình thường hơp với tuổi tác và trình độ để nuôi thân và gia đình. Những ao ước lúc đó giờ nhớ lại, càng thấy thương thêm cho thân phận người VN lưu đày, mất quê hương phải sống cảnh tha phương cầu thực. Trong niềm ao ước nhỏ nhoi lúc đó, tôi mong được đi chăn bò ở các đồng cỏ mênh mông hay được thu nhận làm công nhân hái nho, dâu, táo.. trong các trang trại. Và nếu may mắn hơn là được các gia đình Mỹ hay VN tới trước, nhận vào làm các công việc trong nhà như quét dọn, chăm sóc cây kiểng vườn tược..

            Tội nghiệp nhất là vợ tôi thì ao ước được nhận làm con sen, giặt giũ, nấu ăn trong nhà ngươi VN Riêng hai con nhỏ không biết chúng có mơ ước điều gì cho tương lai. Tóm lại mọi mơ ước trên đều tầm thương nhưng chúng tôi vẫn lo sợ vì không biết có toại nguyện được chăng ? Cuối cùng chỉ còn “ liều “ tới đâu thì tới, giống như lúc còn sống tại quê nhà sau khi mãn tù về quê bị địa phương quản chế, vợ chồng tôi vẫn chịu đựng tất cả mọi phủ phàng, đắng cay của chế độ, để cố sống và đã sống được tới ngày bỏ quê hương mà đi.

            Nhưng dù có gì chăng nữa, thì trước hết phải tận hưởng sự tự do trên xứ người, đó không phải là mục đính mà hằng triệu triệu người VN đã liều chết để mong ước ? Bà chị vợ đón gia đình tôi tại phi trường về nhà ở tạm một đêm, sáng hôm sau mới đưa tới căn nhà đã mướn sẳn tại khu chung cư ở Westminster CA. Những ngày kế tiếp, chị lại hướng dẫn gia đình tôi đến các cơ quan công quyền địa phương làm các thủ tục cần thiết dành cho người tị nạn cộng sản. Thời gian này, chúng tôi đi học Anh ngữ tại Trung Tâm Ða Văn Hóa St. Anselm, là cơ quan thiện nguyện đã bảo trợ gia đình chúng tôi tới Mỹ.

            Nửa tháng sau, buổi sáng tôi đi học Anh ngữ, buổi chiều đi rữa chén tại một nhà hàng của người Việt, kế bên chợ Phát Tài. Hai ngày cuối tuần, tôi và đứa con trai, tới khu chợ trời Orange CountyCosta Mesa phụ khuân vác hàng cho mọi người. Vợ tôi thì đi giữ trẻ, sau đó làm thêm nghề phụ bếp tại nhà hàng Tự Do. Chúng tôi vừa đi học đi làm, mệt mõi nhưng ai nấy đều vui vẽ hạnh phúc trong không khí dầm ấm cởi mở trên đất nước tự do.

            Ðầu tháng 12/1992, sau 7 tháng ở Mỹ, tôi may mắn xin được việc làm tại Công ty GT. Bicycles là một hảng xưởng Mỹ, chuyên sản xuất các loại xe đạp thể thao đắc tiền, với lương giờ 4,25 USD. Ðiều may mắn thứ hai là trong thời gian làm việc tại đây, tôi đã được ông Manager để ý vì sự cần cù và tôn trọng kỷ luật. Nhờ vậy ông ta đã nâng đỡ tôi từ một nhân viên lắp ráp (Assembler) lên điều hành máy (Machine operator) và kiểm soát chất lượng (Quality control. . là những công việc không bị ràng buộc giờ giấc và cấp chỉ huy.

            Tóm lại chỉ hơn nữa năm làm việc, tôi đã tạo được chút uy tín đối với thượng cấp cũng như mối cảm tình cùng với đồng nghiệp. Từ ấn tượng đó, tôi muốn giới thiệu vợ tôi vào lam chung hảng để nàng bớt đi cực nhọc khi làm việc trong bếp. Nhưng vợ tôi đã từ chối vì cho rằng công việc đang làm của mình rất tốt, lại được nâng từ phụ lên bếp chính, phụ trách các món nhậu nổi tiếng, nhờ vậy mà nhà hàng Tự Do rất đông khách.

            Sau sáu năm làm việc cực nhọc ngày đêm và sự tiện tận, chúng tôi đã để dành được một số vốn, nên vợ tôi quyết định nghĩ việc, để tự mở riêng một nhà hàng bán các món nhậu, lấy tên “ Mai Restaurant “, tại góc đường First và New Hope thành phố Santa Ana, như tâm nguyện của nàng khi đến Mỹ, theo phương ngôn “ phi thương bất phú “.Riêng tôi vẫn tiếp tục làm việc tại hảng ráp xe đạp, để có bảo hiểm sức khỏe cho gia đình..

            Nhưng chuyện làm ăn buôn bán cũng như mưa nắng thất thường, không ai biết được ngày mai sẽ ra sao, nhất là trong giai đoạn ai cũng ồn ào mở hàng ăn quán nhậu bán nữa giá và có nữ tiếp viên trẻ đẹp hầu bàn. Biết vậy, nên nhân lúc nhà hàng Mai còn đông khách hấp dẫn, chúng tôi đã sang lại và dọn về thành phố Temecula tại vùng đồi núi hoang vu, năm giữa Orange County và San Diego, lúc đó đang phát triển mạnh.

            Cũng nhờ Phật Trời thương xót cứu độ, nên tôi một đứa trẻ mồ côi bất hạnh từ thuở ấu thơ sống nhờ sự đùm boc của bên ngoại, tới năm 18 tuổi dấn thân vào đời tự nuôi thân. Cũng từ đó tới ngày miền Nam mất và thời gian định cư tại Hoa Kỳ, có thể nói là vợ chồng tôi luôn được ơn trên phù hộ, ban cho nhiều sự may mắn, từ công việc làm trong các hảng Mỹ.. cho tới khi mở riêng nhà hàng ăn uống.. công việc nào cũng có kết quả tốt đẹp.

            Ðầu năm 2003, chúng tôi dọn tới miền đất mới, mở một tiệm ăn theo đúng tiêu chuẩn Mỹ. Lúc này tôi cũng xin nghĩ việc hảng để phụ giúp vợ tôi trong việc kinh doanh, sau 12 năm lao động từ hảng GT.Bicycles chuyên sản xuất các loại xe đạp thể thao, tới hảng MGE chế bộ phận giữ điện cho máy computer và cuối cùng là hảng Power Wave chuyên làm các phần phân phối sóng cho điện thoại di động. Chúng tôi cố gắng học hỏi cách làm ăn, để phù hợp với khách hàng hầu hết là người Mỹ. Nhà hàng do đó rất đông khách và được ái mộ, đến nổi một tờ Ðặc San tại New York chuyên về ăn uống, đã viết một bào báo khen tặng nhà hàng chúng tôi về cung cách phục vụ khách hàng theo đúng tiêu chuẩn Mỹ với các thức ăn của người Việt. Ðây là một trường hơp hiếm hoi của mõt tờ báo tại Hoa Kỳ, giới thiệu và khen tặng một nhà hàng của người Châu Á.

            Năm 2006 gia đình đứa con trai lớn tới Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Ðứa con gái kế và thằng út theo chúng tôi từ đầu, cũng yên bề gia thất và có cuộc sống ổn định. Công cuộc làm ăn buôn bán tại thành phố Temecula rất khả quan..

            Nhưng con người cũng như máy móc, tới một lúc nào đó cũng phải suy yếu. Vợ tôi một đời cực khổ lam lũ làm ăn từ tuổi nhỏ tới khi lấy chồng lính, nuôi con nuôi chồng làm lính đi tù VC. Sau đó suốt mười mấy năm lăn lộn trên xứ người để kiếm sống, nên cuối cùng cũng yếu bệnh. Con cái thì đứa nào cũng lớn và có cuộc sống riêng tư, không thích nối nghiệp của cha mẹ. Không biết làm gì hơn, vợ chồng tôi lần nữa lại bán nhà hàng giữa lúc đông khách. Nhờ vậy đã tránh được hậu quả , khi nền kinh tế Hoa Kỳ bước vào giai đoạn suy thoái sau đó không lâu.

            Giờ thì tất cả đã có từ tự do tới đời sống bình thường như mọi công dân Mỹ. Cũng không còn nổi hồi hợp lo sợ bị công an cán bộ hạch sách hăm dọa làm tiền, không lo bị bắt bớ thẩm vấn rồi bị buộc tội cầm tù. Nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn, đó là tuổi già và sự cô đơn nơi xứ người, mà không ai có thể tránh được ! Mười bảy năm thoáng qua như một giấc mộng, nhớ ngày nào vợ chồng con cái bước chân vào đất Mỹ, chúng tôi chỉ dám mơ được chăn bò hái trái cây làm vú em ở đợ. Rồi thì “ trời sinh voi sinh cỏ “ , rốt cục cũng kiếm sống như mọi người, còn con cái cũng vẹn vầy như ước nguyện.

            Nay nhìn lại mới giật mình vì tuổi đời trước mặt với bệnh hoạn và nổi cô đơn. Nhà có, xe có, con cái cũng có nhưng tất cả cũng chỉ là cái hạnh phúc vô thường xa hoa hào nhoáng. Bởi vậy chúng tôi chỉ còn biết ngày ngày thơ thẩn bên ngoài để vui lây cái vui của thiên hạ. Rồi tối tối về nhà đóng kín cửa, vợ chồng lại dán mắt vào ti vi cho vơi bớt niềm thương nổi nhớ, sống im lặng như nghĩa trang, giống như đồng hương bạn bè khác.. không ai có thể tránh được.

            Xin chân thành cám ơn đất nước và dân tộc Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay cưu mang chúng tôi, giúp triệu triệu nạn nhân VN làm lại con người, từ một chốn địa ngục trần gian có thật mang tên là xã hội chủ nghĩa. Cám ơn ông bà ba mẹ, cậu dì .. luôn theo dõi phù trợ con cháu trên vạn nẻo đường tủi cực thương đau. Cám ơn tất cả đã cho chúng tôi có cơ hội thật sự, để bước chân vào CỔNG THIÊN ÐƯỜNG NƯỚC MỸ, để được làm người như mọi người..!

Xin mượn bài thơ của Mường Giang để tạ ơn đời :

Trời như đã cùng ta đang trẩy hội,
ngày Tạ Ơn trên xứ lạ quê xa
cõi thần tiên mật ngọt chảy muôn nhà
làm ai cũng tưởng đầu thai trở lại

Ta tới đây trong hình hài điên dại
đêm vượt biên hốt hoảng những âm thừa
người săn người đã ngả ngựa chào thua
người gục trước lưỡi lê và mủi súng

Ta tới đây hồn xanh xao chết sửng
tai vẫn vang tiếng chém giết kêu gào
mắt vẫn đầy khẩu hiệu máu đỏ au
đèn phố Mỹ ngở hỏa châu rợp sáng

Ta tới đây phận hèn thân tị nạn
giải khăn sô ướt lệ máu chan hòa
khóc bạn bè gục chết chốn rừng xa
thương đồng đội phơi thây nơi tù ngục

Ta tới đây khác gì thân gổ mục
làm lá xanh vàng trước nổi hận thù
ngực căng đầy những thương tích thiên thu
da còn mặn mùi đất quê biển gió

Ta tới đây mang hành trang nổi nhớ
đầy tình em, xóm học với sân trường
con sông buồn, lầu nước cỏi quê hương
luôn bãi vắng, bờ hoang dăm mái rạ

Ta tới đây với hồn tim tơi tả
nhưng không quên những lối bước chân đời
Tết Mậu Thân thây co quắp muôn nơi
Trời Ðại Lộ Kinh Hoàng mùi tử khí
Ta tới đây khác nào tên mọi Mỹ
nên bâng quơ say tỉnh khắp hiên người
bỏ nhà vào lính, tuổi chớm đôi mươi
nay tóc bạc vẫn đầu đường xó chợ

Ngày Tạ Ơn làm ta thêm bở ngỡ
nhớ quê xa thương nấm mộ mẹ hiền
xót đồng đội đang đói lạnh triền miên
chuyện buồn kể chắc không còn ai nhớ !
(Tạ Ơn Ðời, thơ MG) 

Ngô Trúc Khánh

No comments:

Post a Comment