Thursday, June 30, 2016

Về Đây Mình Cạn Ly Tương Ngộ Trong Buổi Liên Hoan Của Các Cựu Học Sinh Liên Trường Trung Học Phan Thiết (Bình Thuận) Vào Chiều Thứ Bảy (25/6/2016) Tại Westminster CA

Về Đây Mình Cạn Ly Tương Ngộ

Mường Giang
&

Bọn mình " quen lạ " đều bằng hữu
trăm đứa ra đi chẳng trở về
trăm đứa sống mòn trên đất mẹ
trăm thằng vất vưởng bước xa quê

bọn mình hiu hắt trên giàn lửa
tuổi trẻ làm mây giạt khắp trời
làm cỏ chết khô trong nắng hạ
làm cây già rũ kiếp xa khơi

bọn mình đã mất thời hoa bướm
giữa máu xương cao ngất đoạn trường
thù hận làm quê hương mở rộng
những hàng mộ chí khóc trăng sương

bọn mình nay chẳng còn bao đứa
xin hãy dẫn nhau trở lại trường
để nhớ những ngày xưa mộng mị
nơi  sân cỏ uá bươc chân thương

bọn mình ngàn đứa thời Phan Thiết
trăm đứa banh thây tự kiếp nào
còn lại mấy thằng đầu đã bạc
xin về nối lại thuở trăng sao

xưa buổi loạn ly tình đứt đoạn
nay đời dâu bể vẫn chia ngăn
về đây mình cạn ly tương ngộ
rồi gục bên nhau  rũ nợ nần

          Những câu thơ trên làm nhớ lại bài ‘tôi đi học’ của Thanh Tịnh, từ mấy chục năm về trước còn học lớp nhất A tại Trường Nam Tiểu Học Phan Thiết. Bài văn này hầu như ai cũng thuộc vì lời văn trong sáng và quá cảm động, dù nội dung chỉ là lời tự sự của một cậu bé nhà quê, ghi lại cảm giác của mình trong buổi học đầu đời ở trường làng. Hồi ức của Thanh Tịnh như còn nguyên nếp, không hề sờn phai vì ông viết khi rời trường mẹ để bước vào đời.

          Nhưng có lẽ nhức nhối và làm ta nhói đau hơn khi đọc thêm tác phẩm của nhà văn Pháp Anatole France. Ðây mới chính là tâm sự của những tên học trò đã xa xóm học mấy chục năm dài như số lớn chúng ta, mà không một lần được ghé về thăm. Ðến nay tuổi đời chồng chất, ký ức nhạt nhòa, mới chợt nhớ về trường xưa qua ảnh hình mông lung vay mượn. Dù sao chăng nữa, Thanh Tịnh hay Anatole cũng còn có diễm phúc trong lúc tuổi già, để ngồi quan sát bọn học trò nhỏ hằng ngày nơi ngôi trường cũ, rồi hoài niệm trút cạn tim óc, tạo thàn nhữngh đoản văn bất hủ: ‘La rentré des classes’, trong tác phẩm ‘Le Livre De Mon Ami’.. tôi kể cho các bạn nghe những điều đã cho tôi nhớ lại mỗi năm cảnh trời thu mây nổi và những điều trông thấy, khi tôi đi ngang qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười. Ấy là hình ảnh một cậu bé, hai tay bỏ vào túi, cặp sách quàng lưng, tung tăng nhảy nhót đến trường.

          Theo dấu chân chim của Anatole hay Thanh Tịnh, hè này (2016) chúng ta (bọn học trò nhỏ của một thời Phan Thiết), cũng quay về những mái trường xưa lớp cũ PBC, Tiến Đức, Bạch Vân, Bồ Đề, Chính Tâm, Bán Công.., để thu vén lại đâu đó trong " Buổi  Liên Hoan Hội Ngộ Học Sinh Liên Trường Trung Học Bình Thuận " vào ngày Thứ Bảy 25 tháng 6 năm 2016 tại miền Nam California Hoa Kỳ. Chắc chắn trong  khung cảnh ngẩu hứng nơi quê người, chúng ta qua bạn bè muôn phương về hội ngộ, sẽ tìm lại đưọc những kỷ niệm còn sót lại của một thời dấu ái xa xưa, kể cà những mối tình đầu dang dở nơi sân trường, tại PHAN THIẾT (Bình Thuận) trước ngày 30-4-1975.

         
          Làm sao chúng ta có thể ngoảnh mặt hay quay lưng để quên được những năm tháng êm đềm, mơ mộng dưới mái trường yêu? Xin hãy về và cùng ngồi xuống bên nhau, hởi quý thầy cô và những bạn bè còn sót lại qua cuộc đổi đời bi thiết, để cùng gục đầu moi tim nhớ tới đâu đó những hình bóng thân thương, dù hiện tại chúng ta cách xa quê hương muôn trùng. Nhung nhớ, vấn vương,’ lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương ‘, chẳng qua cũng chỉ là những đám mây lờ lững, ngọn heo may se sắt và sương khói hoàng hôn vào buổi thu tàn.

          Nhưng dù thế nào chăng nữa, bao chục năm qua xa cách, trong tôi cũng như bạn bè ngày cũ, được nếp mình dưới mái trường xưa, miên viễn cũng vẫn là một thời thơ ấu, lãng mạn làm đôi lúc giữa tuổi già cằn cỗi của một kiếp người, bất chợt cảm động muốn khóc, khi men theo ngỏ khuất trong trái tim ta, đứng dáo dát tìm về các con đường rợp hoa phượng vỹ, báo hiệu niên học đã hết. Hăm hở đến nghẹn ngào khi bước chân lên con tàu của cuộc đời, mà năm tháng vẫn không nhạt nhòa kỷ niệm.

          Rồi lại nhớ những mùa hạ mùa đông, hằng năm học sinh các lớp thi nhau làm giai phẩm, báo tường, báo Tết. Có lúc cả bọn trai gái kéo nhau đi trong mưa trên đường từ trường về tới nhà của trưởng ban văn nghệ, để hội họp viết bài. Mưa chiều thật lạnh, nhưng được đi bên em, người bạn gái chung lớp mà tôi trót thầm thưng trộm nhớ.. cũng cảm thấy thật ấm lòng.

          Và mùa thi cử lại tới. Bắt đầu niên khóa 1959, Phan Thiết đã có hội đồng thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp. Dạo đó mùa thi cử đã khiến cho đêm Phan Thiết trở nên hoạt động rộn ràng. Do tình hình an ninh tại điạ phương thật khả quan, nên hầu hết nam sinh đều túa ra đường để học thi. Phường phố Phan thiết sau 10 giờ đêm đã bắt đầu thưa vắng. Những hàng vông gốc bàng trong vườn hoa lớn và tất cả hàng cây phượng vỹ dọc theo đường Nguyễn Hoàng, Hải Thượng, Ðề Thám.. cũng bất động trầm ngâm. Dòng sông Mường Mán từ trên cầu giữa nhìn lên, nhìn xuống chỉ còn là một vệt đen im lìm xuôi chảy, thỉnh thoảng mới có một vài bóng đèn leo lét trên các thuyền chài từ bến ra khơi, làm khuấy mặt nước đang ngái ngủ giữa đêm trường.

          Mùa thi, ban đêm là thế giới riêng của bọn học trò. Thật vậy hầu hết các nơi chốn công cộng như Ðài Chiến Sĩ, các vườn hoa kế nhà ga xe lửa, vườn hoa lớn nhưng đông đảo nhất vẫn là vườn hoa Ðộc Lập trước nhà sách Vui Vui, các hàng ghế đá hầu như đều bị học sinh chiếm lĩnh. Từng lớp, từng nhóm, học hành bàn cãi sôi nỏi về đủ mọi vấn đề. Cảnh Sát, lính Ðịa Phương Quân và dân chúng đi đêm, nhìn thấy đều mĩm cười với sự bao dung độ lượng và thán phục.

          Thông thường học bài thi từ nửa đêm cho tới lúc trời bắt đầu hừng sáng, lúc mà những chiếc xe ngựa, xe lam chở hàng từ mấy cửa ô vào chợ, băng qua hai cây cầu gổ bắc ngang sông, gây tiếng lốc cốc lạch cạch của vó ngựa và bánh xe lăn. Nhưng kỷ niệm nhất vẫn là tiếng rao hàng lãnh lót của bà béo bán xôi trước tiệm nước Hòa Nguyên đầu đường Ðinh Tiên Hoàng.. hay mùi thơm ngát của bánh mì nóng tỏa ra từ các lò bánh mì, cũng là lúc bọn học trò học thi tan hàng về nhà ngủ.

          Suốt thời gian học, năm nào cũng vậy, ngồi trong lớp học hay đi dọc theo con đường Nguyễn Hoàng bất chợt nhìn thấy hoa phượng chúm chím nở hoa, là lòng lại bồi hồi xúc động và vui đến rớm lệ " khi giờ cuối cùng đã hết, học trò lớn nhỏ ai cũng nhắp nhỏm chờ lên tàu, để trở về quê có thầy mẹ đợi em trông, trên đường làng huyết phượng nở thành bông và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt ", như Xuân Tâm đã viết trong bài thơ ‘nghỉ hè’. Thật tình mà viết trong những lần Hè của tuổi thơ, tôi rất ganh tỵ với bạn bè vì là dân Phan Thiết, nên đâu được lên ghe, lên tàu để về nghỉ Hè tại các làng quê xa xôi êm đềm mãi tận Long Hương, Phan Rí, Mũi Né, LaGi hay ngoài Phú Quý. Nhưng tuổi thơ vốn ồn ào, buồn đó vui đó trong sự mong đợi rộn ràng qua những kỳ nghỉ Hè, nghỉ Tết, lên lớp, thi đổ để bước vào đời:

‘ kiểm soát kỷ có khi còn thiếu sót,
rương chật rồi khó nhốt cả niềm riêng.. ’ ’

          Ðó cũng là tâm trạng buồn rầu qua những buổi học cuối cùng của đám học trò lớn đã đến giờ phải bỏ trường, lớp, thầy cô cả người tình để mà đi. Mùa Hè đã không còn êm ả và huyên náo như buổi nào, khi mà con tàu tuổi thơ của bọn học trò nhỏ có đi và có trở lại cổng trường. Lần này thì khác hẳn, vì những muà Hè vui vẽ đã ngoa ngoắt quay lưng một cách tàn nhẩn, chạy tít tắp mù khơi vào cảnh xanh lơ quá khứ, mặc cho tên học trò mới hôm qua còn thân thuộc, thì nay bỗng thấy mình sao quá lạ xa, đứng giữa sân lòng một mùa Hè tê tái, ngỡ ngàng. Vâng, đó là những ngày Hạ năm 1962, với những nỗi buồn trong buổi học cuối cùng. Rồi mai dấn thân vào đời mù tăm sương khói, định mệnh, chiến chinh, có mấy ai dám hẹn buổi tao phùng?

          Tỉnh lẻ đêm cuối cùng thật buồn, một mình trở lại trường cũ, đi trên những con đường xưa để tạ từ lần cuối cùng như thu vén vào hành trang kỷ niệm học trò. Bỗng nghe như từ cõi mù sương nào đó, vọng lại một tiếng thở dài. Thôi quan hà xin cạn chén, từ đây ta là chiếc én lẻ bầy, nẽo đời đã mở ra trước mắt, không mộng mơ như trong trang sách, mà là cả một thành sầu đợi đón khách sông hồ.

          Sau ngày 30-4-1975 VNCH sụp đổ, các ngôi trường trung học tư thục tại Phan Thiết cũng bị dẹp bỏ và vắng bóng từ đó đến nay. Nhưng trong thâm tâm của mọi người, tất cả các ngôi trường trên kể cả trường trung học công lập Phan Bội Châu, lại là một chuổi dài lịch sử của một cuộc bể dâu.

           Nhưng  lịch sử  vẫn là sự thật đưọc các thế hệ học sinh ghi chép, dù nayđã bị khép lại từ cuối tháng 4-1975. Trong đó có những điều không ai có thể phủ nhận, là qua thời gian tuy ngắn ngũi (1955-1975) nhưng các trường cũng đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh góp phần gìn giữ và xây dựng đất nước. Ngày nay học sinh Liên Trường Trung Hoc Bình Thuận trên vạn nẻo đường viễn xứ, nhiều người thành danh làm rạng rở tỉnh nhà.. Tôi đứa học trò cũ năm nào, dù không công thành danh toại, vẫn có quyền tự hào như tất cả bạn bè rằng chúng ta là học sinh của các trường trung học công tư tại Phan Thiết, một nơi chốn lừng danh cả nước ít nhất trong lãnh vực " Giáo Dục và Học Đường " , phần lớn nhờ công ơn đào tạo của các Vị Ân Sư trong đó có các thầy Lê Tá, Đặng Vũ Tiển, Lê Bảo, Nguyễn Văn Cung, Nguyễn Quốc Biền, Nguyễn Thanh Tùng, Lê Khắc Ănh Vũ... Sau rốt, xin chân thành cảm ơn những ngôi trường đã cho chúng ta những ngày đáng sống. Xin cám ơn thầy cô đã dạy cho chúng tôi biết nhớ, biết đến tình người và trên hết là biết tin tưởng vào một tương lai dời đổi rất gần. Ngày mai ta lại về.

          Và như thế, Ban Điều Hành Hội Tương Trợ Cựu Chiến Binh Bình Thuận Hải Ngoại. trân trọnh kính mời Quý Vị Ân Sư và Cựu Học Sinh Các Trường Trung Học Công Tư Phan Thiết, vui lòng bỏ chút thời gian quý báu, để cùng chung vui bên nhau trong buổi Liên Hoan, cũng là Ngày Tiền Hội Ngộ của Đại Hội Ân Tình X. Tất cả đều miễn phí kể cả ẩm thực, nước uống thêm chút men nồng trong buổi tương ngộ, sau bốn mươi mốt năm ly tán.

          Buổi Liên Hoan đã đưọc bảo trợ bởi một nhóm Mạnh Thướng Quân, đứng đầu là Gia Đình Cụ Dương Quang Thiết tại Virginia, nguyên chủ nhân hàng nước mắm Hồng Sanh Phan Thiết (500$) và Mr Phan Bái, Huỳnh Văn Quý, Nguyễn Văn Hạnh, Ngô Trúc Khánh, Cao Hoài Sơn, Nguyễn Tấn Hợi, Khai Trinh, Trần Hữu Thân, MG, Mrs Dung Nguyễn, Hồ Ngọc Trai..(mỗi người giúp 100$). Ngày Liên Hoan Hội Ngộ do cụ Dương Quang Thiết khai mạc và Nhạc Sĩ Nguyên Phan & Thi Sĩ Mặc Nhân Thế hướng dẫn chương trình, ca nhạc giúp vui với ban nhạc Queen Bee. Ngoài hai tiết mục " giới thiệu Hồi Ký của Đại Uý Huỳnh Văn Quý và Đặc San Ân Tình ", tất cả thời gian còn lại đều dành cho buổi tương ngộ của các cựu học sinh Liên Trường.

          Buổi Liên Hoan bắt đầu từ 1:00 PM – 5: 00PM  tại trụ sở  Thư Viện/Bảo Tàng Viện Việt Nam, 10872 Westminster Ave , suite 214-215, Garden Grove  CA 92843 (có thang máy). nhiều chỗ đậu xe và gần khu Phuớc Lộc Thọ. Kính mời Quý Thầy Cô, Thân Hữu, Đồng Môn và Đồng Hương đến dự.. để tìm lại bè bạn thân thương của một thời Áo Trắng.

cứ tưởng đến ngày vui hội ngộ
mà hồn đã thét vạn lời ca
trường xưa nay đã ngăn sông núi
nhưng nghĩa tâm giao vẫn đậm đà

mấy chục năm qua đầy lận đận
bạn thầy, đôi ngã cách mười phương
gặp nhau giây phút rồi chia biệt
kẻ ở người đi vạn nẻo đường

thêm nỗi thăng trầm đầy nước mắt
ai còn, ai mất, biết ai đây ?
cho dù có nhận tin thì cũng
tủi phận, thương thân, chịu đọa đầy

nay được tao phùng nơi đất khách
tâm tình xin hãy gởi cho nhau
sang hèn, giai cấp, toàn phù phiếm
như đã chìm sâu giữa ba đào

hãy trút phân chia vào quá khứ
hãy cùng mở rộng hết vòng tay
hãy đem mơ mộng thời hoa bướm
để sớt cho nhau những nụ cười

vui quá ngày mai ta hội ngộ
bạn, thầy, quen, lạ đón liên hoan
bỗng dưng thương quá người yêu cũ
chẳng biết giờ đây mất hay còn

Phòng Hội có trên 200 chổ ngồi. Ghi danh và liên lạc :
Dung (714-235-9988), Khánh (714-251-1979), Cửu (714-317-9953)


Xóm Cồn Hạ Uy Di
tháng 4-2016
                                              mương giang

No comments:

Post a Comment