Thursday, June 30, 2016

TRUNG ÐOÀN BÌNH THUẬN TẠI MẶT TRẬN PHƯỚC TUY VÀO NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG 4-1975 CAO HOÀI SƠN Ðại Ðội Trưởng Ðại Ðội 4, Tiểu Ðoàn 229/ÐP ố TK Bình Thuận

            Qua rồi 35 năm ngày tàn cuộc chiến. Nay hồi tưởng lại những ngày cuối cùng của quân dân Bình Thuận, cũng cảm thấy rất tự hào cho những người dân-lính miền biển mặn. Nhưng cũng không làm sao dấu đượn nổi xót xa bồi hồi trong tâm khảm khi chạnh nghĩ tới những bạn bè đồng độiợ đã hy sinh trong giờ thứ 25, giữa lúc cả nước từ trên xuống duới (trừ lính) gần như tìm đường lánh họa cộng sản.

            Làm sao có thể quên được hôm đó, trọn một đêm bôn tập vượt sông Cà Ty và những con suối nhỏ trong khu vực ấp Phú Khánh phía bên kia QL1, sáng sớm ngày 19 tháng 4 năm 1975, Tiểu Ðoàn 229 ÐP mới tới được Bình Tú. Tại đây, qua tầm nhìn mắt trần, chúng tôi thấy lố nhố trong hàng rào kẻm gai của phi trường Phan Thiết, có nhiều chiếc T54 của cộng sản Bắc Việt, đang chỉa họng súng đen ngòm vào đoàn quân chỉ cách nhau không hơn 1km.

            Thật sự đến nay không riêng tôi, mà hầu hết những người có mặt lúc đó vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng về lý do “ tại sao địch không tác xạ vào quân ta khi chúng phát hiện từ các ngã đường tập trung về bến tàu Kim Hải ? “.Tuy nhiên có hai lý do khiến chúng phải chùng bước là : Hải pháo của ta trên các chiến hạm, đang đậu đầy vùng biển Kim Hải và sát phi trường đang có sự hiện diện của hơn 6.000 quân đủ binh chủng chờ tàu Hải Quân đến di tản về Nam. Trong đoàn quân này hầu hết ai cũng được trang bị mỗi người một súng M72 chống chiến xa. Nhưng trên hết chúng sẽ không bao giờ quên được bài học về sự thiệt hại trong trận phục kích “ bắn cháy chiến xa “ của Tiểu Ðoàn 212 ÐP tại Dốc Bà Cháy, xã Lương Sơn vào đêm 16/4/1975.

            Ðứng trên triền đồi của bãi biển Bình Tú, trước mặt phía dưới là những hố lở sâu thẳm trên 100m đất đỏ lòm, dựng đứng như vách thành. Toàn vùng duy nhất chỉ có một con đường độc đạo dẫn xuống bến tàu Kim Hải. Ðây là một vị trí chiến lược phòng thủ đối với quân ta, chống lại chiến xa của VC từ phi trường tràn xuống. Do đó TÐ229 ÐP được lệnh án ngữ tại đây và sẳn sàng những khẩu M72 để đón giặc.

            Nhìn ra ngoài khơi lòng cảm thấy lo âu vì sự vắng bóng của những con tàu HQ thân thuộc kể cả ghe đánh cá địa phương, mà ngày thường lúc nào cũng khuyấ động sự im lặng của miền biển mặn. Chẳng lẽ cuộc đời chinh chiến của đoàn quân anh dũng Bình Thuận lại bị chôn vùi ở địa danh này ?. Nắng đã bắt đầu le lói trên bầu trời trong xanh không gợn một áng mây. Từng đợt sóng nhỏ ập nhẹ vào bãi biển, báo hiệu một ngày đẹp trời, sóng yên biển lặng.. cho dù lòng ai lúc đó cũng đang cuồn cuộn những cơn sóng dữ đang chực chờ

            Phía dưới, dọc theo bãi biển chạy tới Ba Hòn có nhiều đơn vị tham chiến tại Mặt Trận Phan Rang dùng đường bộ về đây và đang tiếp tục di chuyển tới Hàm Tân (Bình Tuy). Nhưng cuối cùng họ phải quay trở lại Kim Hải vì không vượt qua khỏi các nút chận của VC tại Mũi Kê Gà.

            Tiểu đoàn 202 ÐP của Ðại Uý Huỳnh Văn Hoàng đã đến đây từ khuya, vừa dọn bãi và giữ an ninh cho Quân y Viện Ðoàn mạnh Hoạch di chuyển các thương bệnh binh ra vị trí chờ tàu Hải Quân đến đón. Ðến trưa thì Tiểu đoàn 275 ÐP của Thiếu Tá Nguyễn Tư tại Kim Ngọc, Lại An, kể cả Tiểu đoàn 274 ÐP của Thiếu Tá Trịnh Văn Bình là đơn vị đóng xa nhật tận Bầu Gia Phú Hội, Mường Mán.. cũng đến được bến tàu. Ngoài ra còn có Ðại Ðội 954 ÐP của Ðại uý Mai Xuân Cúc và nhiều đại đội của các TÐ249, 230 ÐP cũng về được điểm hẹn. Nói chung thì hầu hết các đơn vị tại Nam Bình Thuận gần như có mặt đủ tại đây, trừ lực lượng cơ hữu của Chi khu Hàm Thuận, trong số này có Ðại đội 288 của Ðại uý Phạm Văn Sáu theo Thiếu tá Dụng Văn Ðối di tản từ chiều 18-4, bằng đường bộ tới Hàm Tân và bị TK Bình Tuy giải giới tại đây, nên coi như tan hàng, mạnh ai lo mạng nấy kể cả đại bàng.

            Riêng chi khu Hải Long của Thiếu tá Hàng Phong Cao rời Mũi Né vào trưa ngày 18/4/1975 bằng ghe chở nước mắm và chiếc thương thuyền Hương Giang từ Nha Trang vào bị kẹt bỏ lại. Các đơn vị tại bắc Bình Thuận của 4 chi khu Tuy Phong, Hải Ninh, Phan Lý Chàm Hoà Ða và Liên Ðoàn 925 ÐP tại Lương Sơn.. phần lớn cũng đều di tản được vào Vũng Tàu bằng tàu Hải Quân và ghe đánh cá tại các bến Cà Ná, Long Hương, Phan Rí Cửa, Hòn Rơm... Còn Chi khu Thiện Giáo coi như tan hàng trước ngày 16-4-1975.

            Tại bãi biển Kim Hải tình hình mỗi lúc thêm căng thẳng. Trời về trưa càng oi bức ngột ngạt, gió biển vẫn không đủ xoa dịu nổi cái nóng của hơi cát bốc lên từ bốn hướng Theo đúng kế hoạch lui quân của Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải, đầu tiên là sự xuất hiện của Duyên Ðoàn 28 Phan Thiết, từ ngoài khơi vào bốc các thương bệnh binh của QYV Ðoàn Mạnh Hoạch. Kế tiếp là đoàn tàu Ferro Ciment và tàu há mồm, ào ạt ủi bãi trong lúc nước thủy triều đang lên cao, lần lượt bốc hết các đơn vị tại chổ. Trong lúc đó nhiều chiến hạm kể cả soái hạm HQ04 Trần Khánh Dư cũng tiến sát vào sát bờ, sẳn sàng nhả đạn yểm trợ cho cánh quân bên trong. đang dồn dập ủi bải đón người. Ðại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 229 ÐP là đơn vị cuối cùng được lệnh nằm lại tại Hố Lở, để đoạn hậu. Sau đó sẽ được ba chiếc hải thuyền đón ra biển cuối cùng. Cuộc di tản chiến thuãt của Tiểu Khu Bình Thuận và các đơn vị từ Phan Rang vào, coi như kết thúc vào lúc 1 giờ trưa ngày 19/4/1975 với sự thành công tuyệt diệu.

            Trong giây phút sắp giả từ Phan Thiết yêu thương, bỏ lại sau lưng vợ con cha mẹ bạn bè, không biết đến bao giờ mới gặp lại, trái tim của nguời lính trận bổng dưng khựng điếng như vô cảm. Trên soái hạm Trần Khánh Dư HQ4, hiện đang có mặt Phó Ðề đốc Hoàng Cơ Minh và Ðại tá Ngô Tấn Nghĩa. Hơn 6000 quân được vớt trong cuộc di tản.

            Một ngày một đêm lặn lội trong máu lệ đạn bom, cái chết trước mắt đã làm cho ai nấy quên hết sự đói lạnh. Giờ đây được ngồi trên tàu xa vùng lửa khói, cái đói như từ trên trời xập xuống, tôi ăn vội gói mì tôm sống chai ngắt nhạt nhẻo và uống ngụm nước lạnh múc ở suối còn sót trong bidong, mới thấy lòng ấm lại chút chút. Tình cờ đưa mắt nhìn lên boang tàu sát bên, thấy HQ Trung Uý Nguyễn Văn Tạo, cậu họ của tôi đang phục vụ trên Soái hạm HQ4. Tôi mừng quá đưa tay vẫy và hỏi lớn có gì ăn không ?. Chừng 10 phút sau một gói giấy được quăng qua tàu tôi, mở ra thật ngỡ ngàng với 4 con cá khô nướng và một vắt cơm. Thì ra thân phận của người lính VNCH là thế đó, dù họ có là sĩ quan hay binh sĩ, là người lính kiêu hùng Dù, TQLC, LLÐB, BÐQ hay Nghĩa Quân, Xây Dựng Nông Thôn.. là bộ binh, không quân và lính biển.. thì nổi đòi cam khổ hiểm nguy.. tất cả đều giống nhau không ai ngoại lệ..

            Nằm gối đầu trên chiếc ba lô mơ mơ màng màng những buồn vui đời lính, chợt tiếng còi tàu từ soái hạm HQ4 vang lên báo động “ phi cơ địch sắp xuất hiện “ và ra lệnh mọi người phải vào vị trí sẳn sàng chiến đấu “.Tôi bật dậy như cái máy, thấy các anh HQ đang khoắc vào mình chiếc áo phao cấp cứu màu cam, tiến đến các ụ súng cao xạ phòng không trên tàu. Trong lúc đó hệ thống Rada trên tháp chỉ huy không ngớt chuyển động để thông báo tin tức. Các tàu chở lính cũng được lệnh tách rơiợ soái hạm chạy về hướng Vũng Tàu. Cuối cùng giờ chót phi cơ địch không xuất hiện nhưng soái hạm HQ04 vẫn còn ở lại hải phận Phan Thiết để bảo vệ cho đoàn tàu xuôi Nam.

            Gần tối đoàn tàu qua mũi Kê Gà với tháp hải đăng chiếu sáng cả một vùng biển. Mệt mõi và say sóng, chúng tôi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn, tới lúc vầng thái dương le lói chiếu vào mặt mới tỉnh giấc. Thì ra tàu đã vào Bến Ðình nhưng chưa cặp bờ vì còn đợi lệnh của quân cảnh quân trấn Vũng Tàu. Sau đó Thiếu tá Nguyễn Hữu Tiến, Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ229 ÐP được lệnh lên bờ để gặp Quân Cảnh. Hai bên thảo luận về việc giao nạp vũ khí, quân dụng cho quân trấn, kể cả địa bàn, bản đồ.. trước khi lên quân xa về khu vực tạm trú dành cho Bình Thuận. Tóm lại chỉ có Thiếu Tá Tiến được giữ lại một khẩu Colt 45 và một máy truyền tin PRC25 dùng để liên lạc nhận lệnh từ Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa cũng đang có mặt tại Vũng Tàu.

            Không biết tình trạng các tiểu đoán khác ra sao ? Hởi ôi đánh trăm trận không chết bởi đạn pháo mìn chông của VC, nay đoàn lính trận của Bình Thuận lại bị chết nhục bởi đám quân cảnh trong giờ thứ 25, qua những lệnh lạc từ trên trời rớt xuống. Nhưng kỷ luật quân đội trước sau vẫn là kỷ luật, nên chúng tôi thi hành theo lệnh của quân đội !. Ðây cũng là lý do làm cho một số anh em khi lên bờ, không chịu nổi cảnh ứa gan, nên bỏ ngủ về Sài Gòn vì bị phe ta “ tước đoạt hết “ kể cả nhân phẩm, khiến lính không ra lính, quan chẳng còn gì là quan trước mặt lính, nên họ bỏ đi sớm hơn để khỏi bị đại bàng chúa bắt đầu hàng kẻ thù vào trưa ngày 30-4-1975.

            Nhưng Ðặc Khu Vũng Tàu trái lại đã dành hết sự nồng nhiệt để đón tiếp đoàn quân di tản từ Bình Thuận vào. Dọc theo Bải Trước gần cầu tàu, các quầy thức ăn cung cấp tự do cho anh em. Xen lẫn trong số này còn có quầy của các Soeur bên Thiên Chúa Giáo và quý Ni-sư Linh Sơn Tự. Các món chay vừa ngon vừa gợi nhớ, làm cho các quân nhân Phật Tử cảm động muốn khóc vì thương tủi không biết mẹ mình hiện đang kẹt tại quê nhà ra sao. Nói chung là Chính Quyền và Ðồng Bào Vũng Tàu, ai cũng hân hoan nhiệt liệt với những người lính trở về từ giới tuyến. Mối ân tình sâu đậm ấy là những hình ảnh nồng nàn diểm tuyệt, luôn theo tôi mấy chục năm không bao giờ phai lạt trong cuộc đời còn lại.

            Ðoàn quân xa chở anh em ghé lại BCH Ðặc Khu Vũng Tàu. Tại đây lần nữa mọi người lại được các cô “ nữ Quân Nhân “ trong bộ đồng phục xinh xắn , trao cho 5 goí mì ăn liền. Của ít, lòng nhiều, thể hiện tình Huynh Ðệ Chi Binh thắm thiết.

            Trưa 20/4/1975 gần như các đơn vị di tản bằng tàu HQ từ Phan Thiết vào, ngoại trừ một số nhỏ bất mản quân cảnh bỏ ngủ. Tất cả đã có mặt tại Trung Tâm Huấm Luyện Quốc Gia Vạn kiếp tại Bà Rịa tỉnh Phước Tuy. Tôi ước lượng có khoảng 10.000 người, đủ các quân binh chủng chủng nhưng đông nhất là Tiểu Khu Bình Thuận trên 3000 quân. Trong khi đó, từng đoàn xe GMC chở đầy binh sĩ của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, từ các quận trong tỉnh, chạy ngược về hướng Long Thành trên Quốc Lộ 15.

            Cũng tại Trung Tâm Vạn Kiếp, tôi thấy có mặt Ðại Tá Lại Văn Khuy Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 925 ÐP (bắc Bình Thuận) và Thiếu Tá Nguyễn Quốc Quân Tiểu Ðoàn trưởng Tiểu Ðoàn 212 ÐP , sau khi rút quân từ Lương Sơn, Sông Lũy ra Bàu Trắng trong mật khu Lê Hồng Phong chờ tàu HQ tới đón. Sáng 19/4/1975 Ðại Uý Vĩnh, Ðại Ðội Trưởng ÐÐ1/TÐ212 ÐP là người chỉ huy trực tiếp trận phục kích bắn cháy chiến xa CSBV tại dốc Bà Cháy đêm 16/3/1975, cùng với một vài anh em dùng ghe nhỏ ra biển đón được 3 ghe giả cào lớn vào bờ rước BCH/Liên Ðoàn 925 và các đại đội còn lại của TÐ212 ÐP vào Vũng Tàu an toàn. Sau đó Ðại Tá Khuy và Thiếu Tá Quân lột bỏ quân phục, bỏ lại đồng đội của mình đã sống chết bao nhiêu năm tại Bình Thuận, để về Sài Gòn ngay buổi sáng hôm đó.

            Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tiến được Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa chỉ định thay thế ông, chăm sóc anh em Bình Thuận trong thời gian Ðại Tá về Sài Gòn xin lương bổng và trang bị cho đơn vị. Ngày 21/4/1975 tất cả quân nhân thuộc TK.Bình Thuận lại được chở ngược về Ðặc Khu Vũng Tàu, tập trung trong căn cứ của Thủy Quân Lục Chiến tại Bải Sau, để thành lập Trung Ðoàn Bình Thuận, tái trang bị quân trang dụng và đầy đủ các loại vũ khí cá nhân cũng như cộng đồng. Gạo được tiếp tế đầy đủ nên các đơn vị đang dự định đem bán bớt để mua thịt cá cho anh em, thì ngày 22/4/1975 Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa từ Sài Gòn dùng trực thăng tới Vũng Tàu, mang theo số tiền đầu tiên xin được của trung ương là 5 triệu đồng, để phát tiền ăn cho binh sĩ, mỗi người nhận 200 đồng. Chính Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tiến (đã qua đời tại Úc sau khi bị tù nhiều năm tại miền Bắc) là người trực tiếp phát tiền cho các đơn vị, qua sự phụ giúp của Trung Uý Cao Hoài Sơn).

            Ðợt hai, chúng tôi lại nhận thêm 2 triệu vào ngày 25/4/1975 để phân phối cho các đơn vị. Quân số của Bình Thuận lúc đó còn chừng 3000 người gồm sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc các đại đội và tiểu đoàn tác chiến. Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Ty ANQÐ, Chi Khu, Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 925 Ðịa Phương Bắc Bình Thuận.. coi như đã tan hàng ngày 19-4-1975 tại Phan Thiết, ngoại trừ người lính già Ngô Tấn Nghĩa, đã theo anh em từ Lầu Ông Hoàng, Bải Thương Chánh, trên boang tàu HQ, các ngã đường từ Vũng Tàu tới Bà Rịa.. và cuối cùng bị kẹt lại Sài Gòn khi miền Nam bị mất, dù ông cũng có đầy đủ phương tiện kể cả trực thăng. để đưa vợ con ra chiến hạm đi Mỹ.

            Cũng trong ngày 25/4/1975 Ðặc Khu Vũng Tàu phát cho BCH Trung Ðoàn Bình Thuận một xe Dodge, các tiểu đoàn máy PRC25, pin và bản đồ hành quân của tỉnh Phước Tuy. Lúc này Ðặc khu Vũng Tàu bắt đầu hổn loạn vì sự pháo kích bừa bãi của VC nhắm vào dân chúng trong thị xã, phi trường. Từng đoàn người tại các quận lại chạy về đây lánh nạn, tập trung tại sân vận động hơn 10.000 người.

            Ðạn bom lửa khói đã bắt đầu tiến vào đường phố, máu người dân vô tội lại chảy vì pháo kích, cướp bóc trong những giờ phút hổn loạn. Tình hình trở nên nguy ngập khi Sư Ðoàn 18 BB được lệnh rút về bảo vệ Biên Hòa. Các Tiểu Ðoàn 274 ÐP của Thiếu Tá Bình và TÐ275 của Thiếu Tá Tư thuộc Trung Ðoàn Bình Thuận, được lệnh bung ra Long Hải làm tiền đồn, bảo vệ sườn phía đông bác thị xã. Các đại đội biệt lập và Tiểu đoàn 229 ÐP trấn giữ Căn Cứ TQLC làm phòng tuyến chính, tiếp ứng ngăn chận và bảo vệ Vũng Tàu.

            Ngày 29/4/1975 tướng Nguyễn Văn Toàn và một số tuỳ viên thân cận từ Biên Hòa bay trực thăng vào căn cứ TQLC lúc đó do Trung Ðoàn Bình Thuận trấn giữ, trước khi ông di tản chiến thuật ra tàu Mỹ. Buổi trưa cùng ngày, các tiểu đoàn tiền đồn trước áp lực địch quá nặng, cũng bỏ Long Hải kéo về căn cứ.

            Trên QL 15 dẫn vào Vũng Tàu, cầu Cỏ Mây do TQLC trấn giữ, bị VC tấn công dữ dội nhưng gặp phải sự chống trả mảnh liệt gây nhiều thương vong cho giặc. Tại căn cứ TQLC, Trung Ðoàn Bình Thuận bị CS Bắc Việt tấn công vào lúc 4 giờ chiều bằng chiến thuật tiền pháo hậu xung. Ðon vị trấn giữ căn cứ là TÐ229 ÐP/Bình Thuận đã tử chiến với giặc trong giờ thứ 25 bằng đại liên, súng cối và M72, nhát là hướng tây sát với động cát và rừng dương liểu. Xác của giặc nằm ngổn ngang tứ hướng vì đạn và bải mìn phòng thủ. Nhưng vì địch quá đông nên Trung Ðoàn Bình Thuận được lệnh bỏ căn cứ rút về Bải Trước.

            Các đơn vị được lênh bỏ lại tất cả, chỉ mang theo gạo, lương khô, vũ khí cá nhân và những vũ khí cộng đồng còn đủ đạn xử dụng. Chúng tôi chiếm ngọn đồi có tượng Chúa làm vị trí phòng thủ. Ðây là một căn cứ quân sự rất kiên cố, được quân phiệt Nhật xây dựng từ thời Ðệ Nhị Thế Chiến, bên trong có một đường hầm rất kiên cố có thể chứa được hằng ngàn người. Lúc đó dân chúng địa phương kéo vào đây lánh nạn rất đông.

            Lại một đêm dài không ngủ trôi qua rất chậm như những đêm dài VN suốt 20 năm chinh chiến trên quê hương khổ đau. Tiếng súng trong thành phố vẫn tiếp diễn không ngớt, kéo dài tới cả buổi sáng 30-4-1975 và cuối cùng là lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, kết thúc vận hội của dân tộc VN bước vào ngưởng cửa của thế giới văn minh nhân loại.

            Tôi bắt tay giả từ Thiếu Tá Tiến Tiểu Ðoàn Trưởng ,ợ Ðại Uý Chương Tiểu Ðoàn Phó và anh em Tiểu Ðoàn 229/ÐP, tìm ghe trở về quê nhà để thăm viếng cha mẹ vợ con, trước khi bước vào địa ngục VC đang sẳn sàng đợi người quân cán chính VNCH bại trận.

            Ba mươi lăm năm qua rồi nhưng lịch sử cận đại nước Việt vẫn còn đó chứ không sang trang như nhiều người đã ngộ nhận lúc ban đầu. Hãy nói lên những sự thật của lịch sử để tự trọng và xứng đáng là người cầm bút, là người lính hay ít nhất cũng là một bình dân lương thiện. Ðó là cách duy nhất đền đáp lại mối ân tình đối với người chiến sĩ một đời hy sinh hạnh phúc và mạng sống của mình cho đời.

            Người lính Bình Thuận, những Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, Cán Bộ, Cảnh Sát .. một đời xứng đáng để các thế hệ trân quý noi gương. Chúng ta đã không lầm lẫn khi đã viết bất cứ một trang sử nào nói về “ Sự Hy Sinh Cao Quý của Người linh VNCH “.

Hoa Kỳ Tháng 4-2010
Cao Hoài Sơn

No comments:

Post a Comment